http://thethaovanhoa.vn/475N20100911144117017T0/khi-nha-hat-khong-con-lon.htm

(TT&VH Cuối tuần) - Mỗi quốc gia đều có ít nhất một nhà hát lớn để tự hào, để được xem đó là một thánh đường âm nhạc, để được tiếp đón một bầu không khí âm nhạc sang trọng và văn minh, để xứng đáng với tên gọi “thiết chế văn hóa”.

Năm 1977, ngôi sao ca nhạc người Pháp Joe Dassin lúc ấy đang nổi như cồn, anh có một nguyện vọng là được một lần trong đời đứng hát tại Opéra Garnier, nhà hát của những giá trị vĩnh cửu (mà Nhà hát Lớn Hà Nội là một sự mô phỏng tuyệt diệu). Joe Dassin lúc ấy là ông vua của nhiều bài hát được giới trẻ thuộc nằm lòng. Nguyện vọng ấy tưởng chừng dễ được cấp phép nhưng lạ thay Opéra Garnier lắc đầu: “Chỗ này không hợp với anh”. Bởi Opéra Garnier là thánh đường âm nhạc dành cho thể loại âm nhạc được kính nể nhất: cổ điển. Sau đấy, Joe Dassin trở về với nhà hát Olympia chỉ cách nhà hát vĩnh cửu kia vài góc phố. Nước Pháp làm thế chỉ để bảo đảm rằng thánh đường âm nhạc của họ được sạch sẽ và họ cũng dành tất cả sự tôn trọng thật sự cho người bị từ chối, Joe Dassin. Chỉ là vì không kết hợp được.


Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhưng đó là chuyện ở Pháp, còn liên quan đến Nhà hát Lớn ở ta thì gần đây có khá nhiều chuyện xảy ra mới thấy “thiết chế văn hóa” bị xem nhẹ như thế nào. Đầu tiên là chuyện ca sĩ Tuấn Vũ hát tại Nhà hát Lớn. Giọng hát anh được nhiều người yêu mến, điều ấy không ai phủ nhận, nhưng để diễn tại một nơi mang tính văn hóa hàn lâm như Nhà hát Lớn thì đó là chuyện “khó kết hợp được”. Tính biểu tượng của Nhà hát Lớn như một thánh đường âm nhạc, nó biểu trưng cho sự giàu có về văn hóa, cao cấp hơn, kén chọn hơn. Nhưng chuyện ấy đã xảy ra và không thấy ai thắc mắc. Và lạ hơn, cũng ngày hôm ấy, có cả một nhạc sĩ tên tuổi đại diện cho một trung tâm bản quyền cùng với nhân viên của mình đến đòi nợ công ty biểu diễn chương trình của Tuấn Vũ vì “vi phạm bản quyền”, ngay trong phòng gương của nhà hát gần tròn trăm tuổi. Không khí trang trọng của một biểu tượng văn hóa tầm cỡ quốc gia hóa ra chẳng được “nể vì” chút nào.

Và mới nhất, khi quần chúng đang xem say sưa bài hát Người Hà Nội từ chương trình Điều còn mãi diễn tại Nhà hát Lớn nhân quốc khánh 2/9 được phát trực tiếp trên VTV1 thì bị “cắt cái bụp”. Không nguyên nhân, không lời giải thích. Chuyện “cắt cái bụp” chẳng lạ gì nhưng ở trường hợp này vẫn gợi lên câu hỏi liệu Nhà hát Lớn có thật sự “lớn” trong suy nghĩ nhiều người và liệu nó có thật sự là một “thiết chế văn hóa” như lời sử gia Dương Trung Quốc?

May mà Joe Dassin đã qua đời.

Ống kính